Nhược tiểu

Tâm lý nhược tiểu tồn tại khá phổ biến trong người Việt ta, rải rác ở khắp các giai tầng, thể hiện trên khắp các lĩnh vực, “biến thiên” ở mọi ngõ ngách của đời sống.

“Người nuôi chó số 1 Sài Gòn” Nguyễn Văn Lãng có người anh ruột ở Mỹ 50 năm, là tiến sĩ từng làm việc ở cơ quan hàng không vũ trụ. Thấy anh mình có biểu hiện “coi khinh” người Việt, ông Lãng bực mình nói thẳng : “Dù anh có sống như Mỹ 100%, nhưng da anh vẫn vàng mắt anh vẫn đen, anh làm sao mà thay màu da thay màu mắt ?”

Người Việt ra định cư ở nước ngoài, đến thế hệ thứ hai đã ít người nói được tiếng Việt, đến thế hệ thứ ba thì phần lớn không biết tiếng Việt.

Gần đây Đài Truyền hình và báo chí Việt Nam hết lời ngợi ca cô ca sĩ “người Bỉ gốc Việt” Phạm Quỳnh Anh hát bài “Bonjour Vietnam”. Thật cảm động khi cô ca sĩ hát bài hát về Việt Nam với tấm lòng thiết tha đối với quê cha đất tổ, nhưng cũng thật phản cảm khi cô không nói được tiếng Việt. Trả lời Đài Truyền hình cô chỉ nói mấy câu lắp bắp tiếng mẹ đẻ rồi chuyển sang nói tiếng Pháp. Nhìn cô ca sĩ, nhất là nhìn cảnh săn đón háo hức của truyền thông Việt Nam, thấy tội nghiệp nước mình. Cả cô ca sĩ và giới truyền thông Việt Nam đều không hề thấy có vấn đề gì khi cô ca sĩ trẻ không nói được tiếng mẹ đẻ.

Cần biết rằng người Trung Quốc ở nước ngoài, dù thế hệ thứ mấy đi chăng nữa thì vẫn nói tiếng Hoa. Người Hoa mà không nói được tiếng Hoa là điều xấu hổ, tại sao người Việt lại cứ cười tươi như hoa ?

Ông Thanh Thảo trong một bài viết đăng trên Thanh Niên cách đây không lâu có kể chuyện một “nhà đầu tư” ở quê ông, anh này xin đầu tư một dự án gì đó, nhưng đi tới đi lui mãi mà không xong thủ tục. Bực mình quá anh ta ra nước ngoài ở mấy năm, biến thành “Việt kiều”, sau đó về nước xin đầu tư. Cũng con người ấy, cũng dự án ấy, cũng số tiền ấy, nhưng từ ngoại quốc về thì được đón tiếp chu đáo, thủ tục dễ dàng.

Tâm lý nhược tiểu có nguyên nhân lịch sử. Chủ nghĩa bành trướng đại hán mỗi khi xâm chiếm nước ta đều tìm mọi cách hủy diệt sạch trơn các di sản của cha ông ta hòng làm cho người Việt Nam không biết mình đã từng có một nền văn minh. Cộng thêm với sự tiếp tay của tầng lớp trí thức mất gốc (nhưng có thẩm quyền), càng khiến cho lịch sử nước nhà bị bóp méo. Ngô Sỹ Liên từng nói “nước ta học thi thư, tập lễ nhạc mới trở thành nước văn hiến”. Câu nói nhược tiểu đó trong Đại Việt sử ký toàn thư đã khiến cho bao nhiêu người Việt Nam qua các thế hệ bị dị dạng ?

Thời Pháp, thời Mỹ cũng vậy. Thời nay cũng vậy. Tâm lý nhược tiểu đã thành một căn bệnh. Căn bệnh đó chỉ “dứt cơn” sau mỗi lần chiến thắng ngoại xâm. Khi nước yếu thì căn bệnh lại tái phát. Nó mang tính di truyền.

Nước ta từng là một nước “sánh ngang” thiên hạ, chưa kể có lúc hơn. Vua Gia Long và các tiên chúa đã mở rộng và thu giang sơn về một mối, trong đó có việc đem Hoàng Sa, Trường Sa về cho Tổ Quốc. Sau khi thống nhất giang sơn, Gia Long đã “định vị” một nước Việt Nam trong thế đứng vững chắc. Kinh tế thịnh vượng, quốc phòng hùng mạnh. Đội tàu chiến của Gia Long hiện đại không kém tàu chiến Hà Lan. Sức mạnh quân sự ông hơn hẳn Trung Quốc thời nhà Thanh. Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Văn Xuân bảo rằng Gia Long hoàn toàn có thể “đem quân dạo qua Lưỡng Quảng” mà nhà Thanh không thể làm được gì ông. Đến thời Minh Mạng, Việt Nam là một cường quốc châu Á, hơn xa Nhật Bản. Nước ta bước vào suy yếu yếu bắt đầu từ ông vua liệt dương Tự Đức. Trong khi đó, Minh Trị thiên hoàng đã “định vị” lại nước Nhật để đưa nước này thành cường thịnh.

Từ thời Gia Long mãi đến năm 1979, Trung Quốc không có cơ hội đánh ta lần nào. Hai mươi vạn quân Tàu của Tưởng Giới Thạch tràn sang sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 những mong ăn đời ở kiếp, đã phải cút về nước do mưu lược Hồ Chí Minh : tạm cho quân Pháp vào để đuổi quân Tàu, sau đó phát động toàn dân đánh đuổi quân Pháp.

Hiến pháp năm 1946 là sự “định vị” lại tư thế quốc gia. Đó là bản Hiến pháp dân chủ tiên tiên nhất châu Á lúc bấy giờ. Nhiều giá trị căn bản của nó đến nay vẫn không lạc hậu, nền dân chủ thế giới giờ đây vẫn đại để như vậy thôi…

Ngày nay chúng ta nói “Đổi mới”. Nhưng đổi mới để “định vị” lại thế đứng, làm tiền đề cho quốc gia phát triển hùng mạnh, “đổi” cho đến “mới” thì thôi, chứ sao 23 năm rồi mà cứ nói “Đổi mới” hoài !

Cái mà báo chí thường gọi bằng từ ngữ mỹ miều “Hội nhập”, “Vươn ra biển lớn”, coi đó như là cứu cánh, ngẫm lại vẫn không thoát khỏi tâm lý nhược tiểu. Châu Phi “hội nhập” đã mấy chục năm nay sao không thoát khỏi đói nghèo bất ổn ? Cái “Hội nhập” mà chúng ta đang hồ hỡi lặp đi lặp lại, nếu thực hiện đến cùng thì nước ta có khác gì Philipine không? Không thấy gì rõ cả. Không “định vị’ được thế đứng, không biết mình là ai và sẽ trở thành cái gì thì “hội nhập” chỉ là sự đi sau, chỉ là một cái đuôi lẻo đẻo phía sau thiên hạ. “Hội nhập” là việc sơ đẳng nhất thiết phải làm, không làm thì sẽ chẳng giống ai, có gì ghê gớm đâu mà trống giong cờ mở.

Do không “định vị” được thế đứng của mình, nên trong những cuộc đàm phán, như đàm phán về Hiệp định thương mại Việt-Mỹ trước đây, Việt Nam cứ phải cò kè yêu cầu người ta xếp mình vào loại “nước đang phát triển có trình độ thấp”. Phải tự “bóp nhỏ” nước mình lại để được người ngoài ưu ái về lộ trình mở cửa thị trường nhằm kéo dài thêm việc bảo hộ cho các sản phẩm và dịch vụ độc quyền của một số nhóm doanh nghiệp, làm như vậy có “đáng tự hào” không ?

Dĩ nhiên chúng ta không nên và không cần phải thổi phồng đất nước mình lên, không tô vẽ thêm những gì mình không có, nhưng làm gì thì làm cũng phải biết tổ tiên ta đã từng làm như thế nào để giữ sĩ diện cho dân tộc, để thế hệ trẻ khỏi nhìn vào đó mà tiếp tục tự ti, mà tiếp tục thấy mình nhược tiểu.

Và để chữa căn bệnh nhược tiểu, các nhà giáo còn phải biết cách dạy lịch sử cho học trò.

http://www.hoanghaivan.com/2009/02/nhuoc-tieu.html

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.